Điều kiện tự nhiên Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, phía đông bắc và bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía bắc và tây bắc giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Đồng Nai, phía tây nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía đông và đông nam giáp biển Đông. Địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng: vùng rừng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Bờ biển dài hơn 192km (từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná - Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu - Bà Rịa Vũng Tàu), có nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo nên các mũi: La Gan, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm, vòm, tạo ra những vùng cửa biển tốt như: La Gan - Phan Rí, Mũi Né - Phan Thiết, La Gi. Ngoài khơi có đảo Phú Quí rộng 23km² là cầu nối giữa đất liền với quần đảo Trường Sa. Các sông chảy qua tỉnh là sông La Ngà (từ cao nguyên Di Linh đổ xuống hồ Biển Lạc), sông Quao, sông Công, sông Dinh... Khí hậu nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, khí hậu nóng, khô hạn. Nhiệt độ trung bình năm 26ºC - 27ºC, lượng mưa trung bình năm 800 - 1.150mm. Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là tỉnh có nhiều rừng, công nghiệp chế biến gỗ, chế biến hạt điều và sản xuất hàng thủ công là thế mạnh của tỉnh. Bình Thuận có bờ biển dài, ngoài khơi giàu hải sản như cá thu, nục, ngừ, cơm, mực. Kinh tế biển phát triển về đánh bắt hải sản, sản xuất nước mắm, hải sản đông lạnh, làm muối.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều bãi tắm cát trắng, nước trong xanh sạch sẽ cùng với những dãy núi trùng điệp, nối những bãi biển nên thơ bởi những dải đồng bằng bát ngát. Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương... là những khu du lịch văn hoá - thể thao với các loại hình tắm biển, câu cá, du thuyền săn bắn và chơi golf.
Dân tộc, tôn giáoBình Thuận có một nền văn hóa đa dạng và lâu đời của nhiều dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 30 dân tộc chung sống, trong đó 6 dân tộc đông nhất là: Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Ra Glai, Cơ Ho và Tày. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nền kiến trúc của người Chăm rất phong phú với những tháp cao bằng đất nung, vừa thanh thoát, vừa bền vững với dáng đứng hiên ngang. Những tác phẩm điêu khắc Chăm như tượng các thần, các vị vua, hoàng hậu, vũ nữ,...đã thể hiện trình độ điêu luyện về kỹ thuật chạm, khắc, với những đường nét chắc, khoẻ, lãng mạn, giàu trí tưởng tượng. Trang phục, nhạc cụ, điệu múa, lời ca là những di sản quý của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh và văn hóa Chăm cổ còn được đồng bào lưu giữ đến ngày nay. Các công trình kiến trúc cổ có đền, tháp, đình, chùa, lăng, miếu đan xen với các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống của người Việt, người Chăm...đã đem lại cho mảnh đất Bình Thuận những nét văn hóa riêng và độc đáo. Giao thông
Thành phố Phan Thiết cách Tp. Hồ Chí Minh 198km, cách Hà Nội 1.518km. Bình Thuận có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh, có quốc lộ 28 nối sang Lâm Đồng.
|
Vị trí: Mũi Né thuộc địa phận phường Mũi Né, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm Tp. Phan Thiết 22km về hướng đông bắc. Đặc điểm: Mũi Né - nàng công chúa ngủ trong rừng. Địa danh Mũi Né đồng nghĩa với hình ảnh những cồn cát có một không hai ở Việt Nam.
Mũi Né là tên một làng chài và cũng là một điểm du lịch quen thuộc. Dọc theo tỉnh lộ 706, từ trung tâm Tp. Phan Thiết đến Mũi Né là một dãy đồi đất thoai thoải và bãi cát ven biển rộng, thoáng mát với những rặng dừa tuyệt đẹp. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão, là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách. Mũi Né có nhiều bãi biển hoang sơ nguyên thủy, chưa có sự khai thác của con người, cảnh quan hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong lành, như bãi Ông Ðịa, bãi Trước và bãi Sau.
Ðến Mũi Né, du khách có thể tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi thể thao, du thuyền trên biển, dã ngoại kết hợp săn bắn, câu cá, chơi golf... Tại Mũi Né còn có Ðồi Cát, nơi từ bao năm qua đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ngoài các bãi biển và cồn cát, khu vực này còn có nhiều cảnh đẹp như suối Tiên, lầu Ông Hoàng, tháp Chàm Pô-Sha-Nư. Dọc bãi cát ven biển là các làng du lịch, các khách sạn, biệt thự và nhiều công trình thể thao, giải trí.
|
Di tích trường Dục Thanh
|
Vị trí: Thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đặc điểm: Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.
Nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Thông đã xây trên một khu đất của xóm chài nghèo một ngôi nhà gọi là Ngọa Du Sào để đọc sách, ngâm thơ, gặp gỡ và đàm đạo với bạn thơ, bạn cùng chí hướng yêu nước. Khi Nguyễn Thông qua đời nhiều chí sĩ nổi tiếng vãn thường lui tới Ngọa Du Sào trong đó có Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Được Phan Chu Trinh gợi ý, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh đã xây dựng tại đây ngôi trường tiểu học, đặt tên là Dục Thanh với chí hướng giáo dục thanh niên, nâng cao dân trí cho con em trong vùng và truyền bá tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Năm 1909 Nguyễn Tất Thành (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) trên đường vào nam đã tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh lúc đó đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh nằm kín đáo sát con sông Cà Ty để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.
Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất. Năm đó Người tròn 20 tuổi. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.
Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ. Trong đó có nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; Ngọa Du Sào; cây khế sau vườn - nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều.
Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới, vô cùng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam.
Bình dị sáng sớm Phan Thiết
Dường như ngày ở biển đến sớm hơn. Chỉ mới hơn 5 giờ mà đã chói chang cái nắng. Từ ngư dân đến người dân đô thị bắt đầu một ngày mới của mình như thường nhật.
Trên bờ thì đi tắm biển, dắt chó đi dạo hay tập thể dục... dưới thuyền, các hoạt động buôn bán, dọn dẹp, chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi biển sắp tới...
Tất cả tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt, mặn mòi một mùi tanh - mùi mà người dân biển gọi là mùi tiền, mùi bạc.
Một ngày mới bắt đầu như bao ngày khiến cho một du khách như tôi ngơ ngẩn, đắm say. Biển đã đem lại cho tôi bao điều mới mẻ, thanh sạch cũng như đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ những người dân chăm chỉ, bình dị kia.
 |
Giặt lưới sau chuyến đi biển. |
 |
Tập thể dục buổi sáng. |
 |
Bữa sáng của những người phụ nữ lái đò ngang. |
 |
Bắt đầu một ngày mới. |
 |
Xuống đò ngang đi chợ |
 |
Ngư dân |
 |
Và bắt đầu một ngày mới |
Ngọc Hà
|
|
|
Các ý kiến mới nhất