CẦN GÌ CÓ ĐÓ

TÌM KIẾM ĐA CHỨC NĂNG
Chức năng khác: Tìm kiếm Tư liệu lưu trữ trên thư viện trực tuyến Violet
Gốc > KHÁI QUÁT ĐỊA LÝ 64 TỈNH THÀNH >

Tỉnh Bình Phước

Diện tích: 6.883,4 km²
Dân số: 874.961 người (1/4/2009)
Tỉnh lỵ: Thị xã Đồng Xoài
Đơn vị hành chính
-Các thị xã: Bình Long, Phước Long
- Các huyện:Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Hớn Quản.
Dân tộc: Việt (Kinh), Xtiêng, Khmer, Nùng, Tày.


Điu kin t nhiênBình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ. Ở vào vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, phía bắc và tây bắc giáp Cam-pu-chia, phía đông giáp các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, phía tây giáp Tây Ninh. Đây là tỉnh có nhiều rừng. Ở đông bắc có ngọn núi Bà Rá cao 733m và dãy núi thấp quanh Lộc Ninh, còn lại là rừng bạt ngàn. Rừng rậm nhưng đất khá bằng phẳng. Phần lớn là đất đỏ nên trồng cây công nghiệp rất tốt. Bình Phước là nơi có nhiều rừng cao su lớn, vườn cây cà phê, điều, tiêu... 

Tỉnh có hai con sông chảy từ bắc xuống nam: phía tây là sông Sài Gòn, phân giới giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; giữa tỉnh là Sông Bé, có các nguồn từ phía bắc, đoạn dưới đi vào đất Biên Hoà, đổ vào sông Đồng Nai.

 

Khí hậu: Bình Phước chia 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Phía bắc nhiều rừng, nên ẩm thấp hơn phía nam, lượng mưa trung bình hàng năm 2.110mm.


Tim năng phát trin kinh tế và du lchBình Phước là một trong những nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử còn ít được biết đến. Đó là các thác Mơ, núi Bà Rá, thác số 4, đồng cỏ Bàu Lạch. Chính nơi đây trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nổi lên bao địa danh lịch sử được chú ý như ban chỉ huy quân sự Miền, nhà giao tế Lộc Ninh, kho xăng Lộc Hòa, Lộc Quang. Đặc biệt tại xã Phú Riềng (huyện Phước Long) nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên vùng Đông Nam Bộ, cũng là nơi diễn ra cuộc nổi dậy của hai anh em Điểu Mol và Điểu Mól (dân tộc Xtiêng) vào năm 1933.  Dân tc, tôn giáoBình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Đồng bào dân tộc ít người chiếm 17,9%, đa số là người Xtiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày,...Vì thế Bình Phước có nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Xtiêng. Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc: Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số vào tháng 12 hàng năm, thường có: lễ hội cầu mưa của người Xtiêng; lễ bỏ mả; lễ hội đâm trâu; lễ mừng lúa mới của đồng bào Khmer. Giao thông

Đường bộ chính là đường 13, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Bến Cát (Bình Dương) rồi Chơn Thành - An Lộc - Lộc Ninh và rẽ phía tây 15km đến cửa khẩu biên giới Hoa Lư. Đường 14 từ ngã tư Chơn Thành đi thị xã Đồng Xoài, rồi lên tiếp Đắk Nông - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum - Đà Nẵng. Thị xã Đồng Xoài cách thành phố Hồ Chí Minh 128km

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vị trí: Xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 200km về phía bắc.
Đặc điểm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập được coi là nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú ở miền Đông Nam Bộ.

Nằm ở vị trí độc đáo là nơi giao lưu với 4 khu hệ có nguồn gốc địa lý khác nhau: hệ Mianmar - Ấn Độ, hệ Malaysia – Indonesia, hệ Trung Hoa – Hymalaya và hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Ðôn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Phía bắc và phía tây vườn quốc gia giáp suối Đăk Huýt, phía đông giáp tỉnh Đăk Nông, phía nam giáp với lâm trường Bù Gia Mập.

Với diện tích 26.032ha, đây là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước với đỉnh núi cao nhất là 700m so với mực nước biển. Hệ thống sông suối gồm các dòng suối Đăk Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, Đăk Sa, Đăk Ka và Đăk K'me. Hệ thực vật ở vườn quốc gia rất đa dạng và phong phú, quy tụ nhiều loài trong vùng Ðông - Nam Á với 808 loài, 396 chi, 118 họ, 59 bộ của 5 ngành thực vật có mạch. Ðặc biệt rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những cây họ dầu và nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc.

Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã với 73 loài thú, trong đó có 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi, chà và chân đen..., 168 loài chim, trong đó 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám..., 30 loài bò sát. Do đặc trưng của rừng ẩm thường xanh, có rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn quốc gia cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...

Không chỉ có vậy, Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với các trận đánh ác liệt ở miền Ðông Nam Bộ.

Hệ động thực vật phong phú cùng hệ thống hang động Dak Nghen, Đờ Mi, Gióng Min nguyên sinh của vùng đất ba-dan nâu đỏ nơi đây đã thể hiện bao cảnh quan sinh thái đặc hữu của Bù Gia Mập. Những dòng suối lấp lánh nắng vàng luôn reo vang cùng với bản hòa tấu của chim muông, hoa lá, những dòng thác Đạt Mai, Sông Bé trên, Sông Bé dưới, Dak Tôn lớn, Dak Tôn nhỏ, Tà Lin quanh năm tung bọt trắng xóa che kín hang động bên trong được tạo thành bởi những khối đá nhiều vân sắc… Tất cả đã tạo nên một điểm du lịch sinh thái lý tưởng đối với những du khách ưa thích thể thao mạo hiểm và thiên nhiên hoang dã.

DI TÍCH LỊCH SỬ Ở BÌNH PHƯỚC

Phú Riềng Đỏ: Nơi thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản

Di tích này nằm tại làng 3 - xã Thuận Lợi - huyện Đồng Phú - tỉnh Bình Phước ngày nay. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, trên một đỉnh đồi có địa hình tương đối bằng phẳng, Công ty cao su Đồng Phú đã xây dựng đài tưởng niệm cao 10m, chân tượng dài 3,4m ngang 1,7m trên đỉnh tượng đài có biểu tượng búa liềm. Xung quanh tượng đài là những lô cao su non và dưới đồi là con suối chạy uốn quanh.

Đầu năm 1928 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc kỳ cử đi “ Vô sản hoá” ở đồn điền cao su Phú Riềng, vào đây đồng chí đã cùng đồng chí Trần Tử Bình (nguyên là chủng sinh viên Hoàng nguyên) lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội (có 05 đồng chí) vào tháng 4/1928 để lái phong trào đấu tranh chống chủ hữu hiệu hơn.

Chi bộ thanh niên của đồn điền Phú Riềng đã nhanh chóng lãnh đạo công nhân cao su đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt là cuộc bãi công của công nhân cao su vào năm 1930 làm nên Phú Riềng đỏ anh hùng phá tan “Địa ngục trần gian”.

Sau 8 ngày (từ ngày 30/1/1930 - 6/02/1930) cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn ảnh hưởng sâu rộng và để lại nhiều bài học sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh Phú Riềng đỏ đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước thắng lợi.

Đây là một di tích lịch sử nói lên được giá trị và tầm quan trọng của đường lối đúng đắn và phát triển mạnh mẽ của tồ chức Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chi bộ đã lãnh đạo phong trào công nhân cao su từ đấu tranh tự phát chuyển sang tự giác để làm nên một Phú Riềng đỏ anh hùng.

Ngày 12/2/1999 Nhà nước ta đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Mả thằng Tây

Ngày 25/10/1933 tên More là đội viên khố xanh rất tàn ác ở quận Bà Rá lúc bấy giờ đã bị hai anh em ông Điểu Mốt, Điểu Môn người dân tộc Stiêng ở sóc Bù Xum dùng xà gạc chém chết. Đây là chiến công vang dội đã được đồng bào ghi nhớ với tất cả lòng tự hào của dân tộc, đánh dấu sự quyết tâm giành quyền tự chủ về rừng, nương rẫy, vì quyền lợi thiết thân của người dân tộc.

Sau khi tên này chết, thực dân Pháp đã cho xây bia (nhân dân ta quen gọi là Mả thằng tây) để tưởng nhớ và gây lòng căm thù của chúng đối với đồng bào dân tộc nhưng đối với nhân dân ta đây là chiến tích vang dội, một chiến tích đã đi vào lòng người, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ dân tộc ít người trong cuộc chống xâm lược giành độc lập tự do cho đất nước và cho các thế hệ mai sau trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ngày 29/5/1989 Nhà nước ta đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Núi Bà Rá – Thác Mơ

Bà Rá là tên gọi ngọn núi cao 723 m thuộc xã Sơn Giang huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Do địa hình hiểm trở của rừng núi, Bà Rá đã mang trên mình nhiều chiến tích anh dũng kiên cường.

Năm 1925, thực dân Pháp cho xây tại chân núi một nhà tù lớn để giam cầm bọn trộm cướp lưu manh, giam cầm chính trị phạm, những người bị tình nghi là cộng sản nhưng không thành án. Năm 1941 xây dựng thêm căm C để giam những tù chính trị. Bọn cai tù dùng nhiều thủ đoạn dã man để tra tấn tù nhân nhưng với tinh thần tự cường các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù này thành nơi đối đầu với chúng. Bên sườn núi phía Tây có hang Dơi, hang Cây Sung, nơi đây đội công tác núi Bà Rá đã từng bám trụ và gây nhiều nỗi kinh hoàng sợ hãi cho địch . Trong hai cuộc kháng chiến, núi Bà Rá còn là căn cứ địa cách mạng vững chắc để đánh đuổi kẻ thù.

Núi Bà Rá không chỉ mang ý nghĩa giá trị lịch sử mà còn là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, rừng cây với hệ thực vật đa dạng phong phú được Bộ Lâm nghiệp xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước. Có đập thuỷ điện Thác Mơ đem lại nguồn điện sinh hoạt cho nhân dân và góp phần thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá hiện đại hoá cho đất nước.

Mộ tập thể 3.000 người

Ngôi mộ tập thể 3000 người tại thị trấn An Lộc - huyện Bình Long - tỉnh Bình Phước là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về tội ác dã man của bọn Mỹ ngụy đã gây ra cho nhân dân ta nói chung và nhân dân Bình Long nói riêng.

Mùa thu năm 1971, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW Đảng họp thông qua quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai.

Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, địch phá cầu Cần Lê trên quốc lộ 13 hòng cản bước tiến của quân ta tiến về Bình long, trước sự tấn công như vũ bão của bộ đội chủ lực (Sư đoàn 5, 7, 9 và đặc biệt đại đội 368) đội đặc công 75. Địch ra sức giữ Bình Long vì “ Bình Long mất, Sài Gòn không còn”. Suốt 32 ngày đêm (từ 13/4 - 15/5/1972), chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, một bên là ta quyết tâm giải phóng Bình Long và một bên là địch quyết giữ Bình Long bằng mọi giá, địch tập trung vào đây mọi hoả lực hiện có kể cả máy bay B52 thả bom rải thảm cày nát mặt đất, chúng thả bom vào cả bệnh viện thị xã nơi mà phần lớn nhân dân tập trung tránh đạn pháo và kể cả lính địch bị thương đang điều trị khiến hàng ngàn người bị giết hại, nhà cửa hư hại. Để giải quyết số thương vong trong 32 ngày đêm chiến sự diễn ra ở An Lộc, địch dùng xe ủi, ủi bốn rãnh lớn chôn các xác chết sau khi gom lại, hình thành ngôi mộ tập thể trên 3000 người và dựng lên tấm bia “Tổ quốc ghi công” để lừa bịp nhân dân.

Cuộc chiến đấu giữa quân ta và địch tiếp tục diễn ra cho đến ngày 02/4/1975, Bình Long được hoàn toàn giải phóng.

Ngày 6/12/1989, ngôi mộ trên được nhà nước công nhận là di tích lịch sử khắc sâu tội ác dã man của Mỹ nguỵ đối với nhân dân ta.

Kho xăng dầu Lộc Quang – Lộc Hòa

Sau khi Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng (7/4/1972) và trở thành thủ phủ của Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Lộc Ninh còn là nơi tập kết các nguồn chi viện phục vụ cho chiến trường B2 và chiến dịch giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, trong đó nguồn nguyên liệu xăng dầu là một yêu cầu bức thiết để phục vụ cho cuộc chiến thần tốc sau này.

Trước yêu cầu trên, đầu năm 1974 đường ống xăng dầu chi viện từ miền Bắc về đến Bù Gia Mập huyện Phước Long được thiết lập và từ đây bằng các phương tiện, xăng dầu được chuyển về chứa tại Lộc Ninh dọc theo các con đường từ Bù Đốp đến ngã ba Lộc Tấn, trong đó tổng kho xăng dầu VK 98 xã Lộc Quang (7 bồn) và VK 99 xã Lộc Hoà (10 bồn) là có quy mô lớn nhất. Mỗi bồn xăng cao 3,5m đường kính 10m với sức chứa 250.000lít/bồn đủ nói lên tầm vóc quy mô của Tổng kho xăng dầu này.

Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh được giữ gìn một cách hoàn toàn bí mật (những người dân sống xung quanh không hề hay biết) đã là một kỳ tích trong chiến tranh.

Hiện nay các bồn xăng đã được tháo dỡ chỉ còn để lại một bồn nhằm giới thiệu một trang sử hào hùng đã đi qua của dân tộc

Căn cứ quân uỷ và Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng Miền Nam Việt Nam ( Căn cứ Tà Thiết)

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến với sự ra đời hàng loạt các căn cứ thì căn cứ của Bộ chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết - Lộc Ninh là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 Ngày 7/4/1972 Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ chỉ huy Miền đóng tại khu B chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết - Lộc Ninh. Đây chính là trung tâm đầu não được mệnh danh là “ Khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan đầu não B2.

So với các căn cứ đã xây dựng trong chiến tranh, thì căn cứ Tà Thiết được xây dựng cơ bản và có quy mô lớn hơn cả. Hệ thống hầm hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng khá nhiều để đảm bảo cho việc sinh hoạt huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ Tà Thiết là tổng kho dự trữ của hậu cần B2 và là điểm tập kết quân lớn nhất từ Bắc vào để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân năm 1975.

Từ năm 1973 đến năm 1975 tại căn cứ Tà Thiết đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng:

- Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ III (3/1973);

- Hội nghị quân chính toàn Miền (9/1973);

- Hội nghị học tập quán triệt Nghị quyết 21 của TW Đảng cho cán bộ cao cấp của Miền và các tỉnh (10/1973);

- Ngày 3/4/1975 tại nơi đây đồng chí Phạm Hùng (Bí thư TW Cục) quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn;

- Ngày 8/4/1975 đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia định (sau được lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh) gồm Chính uỷ Phạm Hùng, Tư lệnh Đại tướng Văn Tiến Dũng, các Phó tư lệnh Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn và Đinh Đức Thiện.

- Đúng 11giờ 30 ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, trên đất Tà Thiết toàn bộ Bộ chỉ huy chiến dịch thật sự xúc động lên đường hướng về Sài Gòn để tiếp quản thành phố mới được giải phóng.

Căn cứ Tà Thiết đã góp một phần quan trọng vào việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Hiện nay, Khu căn cứ đã được sửa chữa lại và khánh thành vào ngày 20/4/1995 gồm: nhà trưng bày, nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà- Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, Lê Đức Anh Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng và Nguyễn Thị Định Phó Tư lệnh. Bên cạnh đó là hội trường dưới lòng đất, nhà bếp trở thành điểm tham quan chiến trường xưa của du khách trong và ngoài nước. 

Sân bay quân sự Lộc Ninh

Di tích này nằm tại huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước ngày nay. Sân bay nằm trên một khu đồi bằng phẳng rộng trên 5000m . Trước đây là sân bay quân sự của Mỹ ngụy, sau ngày Lộc Ninh được giải phóng, sân bay thuộc về chính quyền cách mạng lâm thời.

Sân bay này là nơi đánh dấu sự kiện sáng sớm 31/01/1973, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại trại Đavis và cũng tại đây ngày 12/2/1973, ngày 12/9/1973 ta đón đoàn Uỷ ban quốc tế về làm việc cũng như các vị đại sứ, trưởng phó đoàn của Ủy ban quốc tế về thăm Lộc Ninh.

Sân bay quân sự Lộc Ninh là nơi ta tiến hành trao trả tù binh cho địch và đón nhận những người con ưu tú, trung kiên của cách mạng đã nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất của dân tộc từ các nhà tù của địch trở về theo Hiệp định Pari, trong đó có bà Võ Thị Thắng người nữ sinh đấu tranh cho độc lập dân tộc bị địch cầm tù.

Ngày nay, di  tích Sân bay quân sự Lộc Ninh vẫn còn đó với cổng tam quan bên cạnh tấm bia ghi lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra nơi đây. Ngày 12/2/1986 Nhà nước ta công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trở lại chốn này, du khách như sống lại một thời hào hùng, đánh dấu những thắng lợi của quân dân Bình Phước

Trụ sở Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Ngày 7/4/1972 Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng và được củng cố trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, là nơi tập trung các cơ quan đầu não về quân sự, chính trị, hậu cần.v.v...Đặc biệt có nhà Giao tế - Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời, là nơi hội họp của Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Đoàn Uỷ ban kiểm tra kiểm soát và giám sát đình chiến theo tinh thần của hiệp định Pari.

Nhà Giao tế được xây dựng vào tháng 3 năm 1973 theo bản thiết kế của ông kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ( Chủ tịch Chính phủ Cách mạng LTCHMNVN) trên một mảnh đất trước kia là văn phòng Công ty cao su của người Pháp.

Nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn gồm hai tầng, kết hợp lối kiến trúc dân tộc và kiến trúc hiện đại. Trong bối cảnh địch đánh phá ác liệt việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau một tháng Phòng Công binh Miền đã hoàn thành xong công trình này.

Tầng trên là nơi hội họp của Ban Liên hợp quân sự bốn bên, tầng dưới là nơi gặp gỡ giao lưu của nhân dân và quan khách. Tầng trên và tầng dưới được treo cùng một lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, phía dưới ban công nhô ra được đắp nổi hình hai ngôi sao, một bên sơn nền màu đỏ tượng trưng cho màu cờ nước, một bên sơn nền nửa xanh nửa đỏ tượng trưng cho cờ Mặt trận giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam.

Vì đây là nơi hội họp của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên và phái đoàn Uỷ ban Kiểm tra kiểm soát và giám sát đình chiến và cũng là nơi giao lưu giữa nhân dân và quan khách nên nó được mệnh danh là nhà Giao tế và ngày 12/12/1986 đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

 


Nhắn tin cho tác giả
Phan Thanh Việt @ 14:28 12/06/2011
Số lượt xem: 845
Số lượt thích: 0 người
 
Gửi ý kiến